Sách: Sức Mạnh Của Sự Khen Ngợi – MINH LONG BOOK

Khen Ngợi Có Thể Tạo Ra Sức Mạnh Để Con Người Tiến Về Phía Trước

Mặc dù lời khen có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tích cực cho cả người khen lẫn người tiếp nhận, nhưng đa số mọi người lại khá kiệm lời khen.

 

 

Khi bắt đầu chơi bóng đá vào những năm phổ thông, tôi vừa chậm vừa mập, nói chung là kinh khủng. Nhưng tôi đã nỗ lực hết sức trong 3 năm trời và cuối cùng trở thành cầu thủ chính thức vào năm cuối cấp. Kết thúc mùa giải cuối cùng, một trong các huấn luyện viên kéo tôi ra hành lang, đặt tay lên vai tôi và nói, “McKay, trong đội có rất nhiều anh chàng có thể lực tốt hơn cậu. Cậu không phải người có thể chất khỏe mạnh bẩm sinh, nhưng cậu đã bù đắp được điểm yếu của mình bằng nghị lực và nhiệt huyết.”

 

Cuộc nói chuyện đó đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của tôi. Nó củng cố điều mà tôi hy vọng là đúng trở thành điều mà tôi thật sự bắt đầu tin tưởng về tính cách của mình. Kể từ đó, mỗi khi đối mặt với những thử thách mà tôi cảm thấy mình không có khả năng vượt qua như những người khác, tôi có thể nghe thấy huấn luyện viên nói rằng tôi có nhiệt huyết, và điều đó giúp tôi tiếp tục cố gắng.

 

Đó chính là sức mạnh của những lời khen.

 

Những lý do bạn thường kiệm lời khen

 

 

1. Bộ não của chúng ta được thiết kế để tập trung vào điều tiêu cực. Não người được thiết kế với một định kiến tiêu cực — ta chú ý hơn và tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực thay vì tích cực. Về mặt tiến hóa, đây là điều hoàn toàn hợp lý. Sự nhạy cảm gia tăng đối với những trải nghiệm tiêu cực giúp tổ tiên ta an toàn trước những nguy hiểm đe dọa tính mạng. “Rồi, vậy là hổ nanh kiếm thích khi bạn giật đuôi nó.”

 

Không may, chính định kiến giúp ta an toàn trước hiểm nguy lại thường ngăn ta nhận ra những điều tốt đẹp và đáng được khen ngợi của những người xung quanh. Ta sẽ nhận ra và lên tiếng khi bồi bàn đem lên nhầm món, nhưng khi họ phục vụ cực tốt thì hầu như ta không ghi nhận, và nếu có thì cũng hiếm khi ta nói cho họ biết.

 

2. Bạn chỉ quan tâm đến mình. Dù cho rằng mình vì người khác đến mức nào, tất cả chúng tađều chú trọng đến bản thân ở các mức độ khác nhau. Ta thường quan tâm đến biểu hiện và hành vi của bản thân nhiều hơn, và không để ý đến biểu hiện và hành vi của những người khác. Sự vị kỷ bẩm sinh này lý giải vì sao ta nghĩ mọi người chú ý đến việc ta cảm thấy hồi hộp ra sao khi trình bày bài diễn thuyết quan trọng. Vì ta chú ý đến cảm xúc của mình quá nhiều, nên ta đinh ninh những người khác cũng thế. Không đâu – họ cũng chìm đắm trong những suy nghĩ và hành vi của chính họ giống bạn thôi!

 

Sự vị kỷ bẩm sinh có thể khiến ta không thật sự chú ý và lắng nghe người khác – nó khiến ta bỏ lỡ những cơ hội đưa ra lời khen. Đừng tập trung vào bản thân đến mức bỏ lỡ những điều tốt đẹp mà những người xung quanh đang làm.

 

3. Bạn rụt rè. Nếu một việc đơn giản là lên tiếng “chào hỏi” ai đó khiến bạn rùng mình sợ hãi, thì đưa ra một lời khen ngợi có thể làm bạn hoảng sợ tột độ. Ừ, có thể bạn không hoảng sợ, nhưng lòng bàn tay bạn thì đầy mồ hôi. Nếu bạn rụt rè, thì khen ngợi là cách tuyệt vời nhất giúp bạn vượt qua chứng sợ hãi xã hội. Hầu hết mọi người đều thích được khen và hầu như không bao giờ tỏ ra lạnh nhạt trước một lời khen chân thành và giản dị. Đó cũng là cách tuyệt vời để khơi mào cuộc nói chuyện, nếu đó là điều làm bạn lo lắng. “Chiếc bàn này anh làm thật tuyệt. Anh đã bắt đầu nghề mộc như thế nào?”

 

4. Bạn không muốn mình trông như kẻ nịnh hót. Không ai muốn trở thành kẻ nịnh bợ. Nhưng đừng kiệm lời khen vì nỗi sợ bị dán nhãn này. Để tránh chuyện đó, bạn chỉ cần tuân theo vài nguyên tắc khi khen ngợi người khác, nhất là những người có vị thế cao hơn bạn. Trước tiên, hãy thành thật (ta sẽ nói thêm về điều này sau). Thứ hai, hãy thận trọng với lời khen. Đừng quá nồng nhiệt ca ngợi cấp trên/giáo viên của mình. Thứ ba, hãy khen khi không có ai xung quanh. Nếu các nghiên cứu xã hội học chính xác, cấp trên có thể thích nghe những lời khen đầy tình cảm của bạn; chính đồng nghiệp mới là người không thích điều đó – vì họ cho rằng nó nghĩa là bạn đang cố nâng cao vị thế của mình và hạ vị thế của họ. Hãy kín đáo khen những người có vị thế cao hơn.

 

Làm Thế Nào Để Đưa Ra Lời Khen

 

 

1. Bắt đầu chú ý. Bước đầu tiên trong việc trở thành một người giỏi khen ngợi là nhận biết những cơ hội để đưa ra lời khen. Muốn vượt qua những thành kiến vị kỷ và tiêu cực, ta cần khơi gợi người thám tử bên trong mình bằng cách quan sát thường xuyên hơn và kỹ càng hơn. Hãy sống trong hiện tại khi tương tác với người khác và bạn sẽ dễ dàng nhận ra họ có nhiều điểm cho bạn khen ngợi.

 

2. Khen ngợi những điều nhỏ nhặt. Bạn không cần ngồi chờ đối phương đạt được thành quả lớn lao nào đó thì mới mở lời khen ngợi. Nếu nó là một thành quả rõ ràng, có thể trước đây họ đã được khen ngợi nhiều lần về nó rồi. Vì thế, hãy bày tỏ sự ngưỡng mộ của bạn đối với những điều nhỏ nhặt. Có thể những gì trông bình thường với bạn lại mang nhiều ý nghĩa với người khác. Ví như bạn thích chiếc áo vét của ai đó? Hãy cho họ biết! Bạn ấn tượng bởi chữ viết tay của một người? Hãy nói với họ.

 

Mặc dù những điều nhỏ nhặt là chất kết tinh nên những lời khen, nhưng hãy đảm bảo những điều đó gắn với đặc điểm hoặc năng lực đáng khen ngợi. Việc khen ngợi chiếc áo vét làm một người cảm thấy vui vẻ, vì điều đó nói lên họ có khiếu thẩm mỹ. Việc chú ý đến chữ viết tay của một người nghĩa là bạn đang khen ngợi tính kỷ luật và sự luyện tập của họ. Vì lý do này, những câu như “Tôi thích cách bạn ăn những hạt đậu,” hay “Bạn vuốt ve con mèo của mình thật tử tế” sẽ khiến đối phương bối rồi thay vì nở nụ cười.

 

3. Khen ngợi một cách cụ thể. Càng cụ thể càng tốt. Lời khen cụ thể biểu lộ sự chân thành. Khi bạn đưa ra lời khen cụ thể, điều đó cho thấy bạn thật sự chú ý đến đối phương.

 

Hơn nữa, nếu mục tiêu của bạn là khuyến khích sự thay đổi tích cực của một cá nhân, bạn càng khen cụ thể thì càng có nhiều khả năng người tiếp nhận sẽ tiếp tục duy trì hành vi tích cực đó. Lời khen cụ thể giúp họ nhận biết những gì họ đang làm đúng. Vì lý do này, những đứa trẻ lớn lên cùng những ông bố bà mẹ thường khen trẻ bằng những lời khen chung chung, “Con thật thông minh!” hay “Con thật đặc biệt!” có khuynh hướng cảm thấy mất phương hướng khi trưởng thành, vì trẻ không học được cách trau dồi tài năng và năng lực của mình.

 

4. Khen ngợi một cách chân thành. Những lời khen giả dối sẽ chẳng giúp bạn ghi điểm; thật vậy, nó còn phản tác dụng nữa. Nếu đối phương biết bạn đang nói dối, điều đó sẽ làm giảm niềm tin của họ đối với bạn và giảm giá trị những lời khen của bạn sau này.

 

Có thể bạn khen một người nào đó vì bạn đang cố thuyết phục họ hoặc cố bán cho họ thứ gì đó, nhưng nếu đó là lý do duy nhất bạn khen ngợi thì đối phương sẽ nhận ra ngay, và bạn sẽ bị từ chối thay vì được hoan nghênh. Đó có thể là một phần động cơ của bạn, nhưng bạn phải thật sự ngưỡng mộ đặc điểm mà mình khen ngợi để lời khen trở nên chân thành.

 

5. Giải thích những phẩm chất tuyệt vời của đối phương ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Nếu gặp khó khăn trong việc tìm lời lẽ để khen ngợi ai đó, bạn chỉ cần cho họ biết những phẩm chất tuyệt vời của họ đã tạo nên sự khác biệt, dù nhỏ bé thế nào, trong cuộc đời bạn – hãy kết hợp lời khen với sự cảm kích. “Nụ cười của bạn thật sự giúp ngày hôm nay của tôi tươi sáng!”, “Sự tỉ mỉ của anh thật sự giúp công việc của tôi dễ dàng hơn rất nhiều. Cảm ơn nhé!”. Và nhiều nữa.

 

6. Khen ngợi ai đó trước mặt người khác. Một lời khen công khai càng có giá trị vì nó cho đối phương thấy bạn tự hào khi kết giao với họ và bạn không ngần ngại thể hiện sự ngưỡng mộ của mình với người khác.

 

7. Đừng trì hoãn! Nếu bạn thấy muốn khen ngợi điều gì đó ở một người, hãy nói ra càng sớm càng tốt. Nếu chờ đợi quá lâu, có thể bạn sẽ quên. Việc này luôn xảy đến với tôi. Ví dụ, Chủ nhật vừa rồi tại nhà thờ, có một chàng trai diễn thuyết rất ấn tượng. Cậu trình bày rõ ràng, cuốn hút và sâu sắc. Tôi thầm nghĩ, “Tôi cần nói cho cậu bạn đó biết tôi rất thích bài nói chuyện của cậu,” nhưng khi buổi họp kết thúc, tôi bận nói chuyện với người khác và đã không có cơ hội đưa ra lời khen của mình.

 

Cuốn sách Sức mạnh của sự khen ngợi - Bí quyết để giao tiếp thành công của tác giả Wang Hui sẽ chia sẻ cùng bạn làm thế nào để khéo léo sử dụng sức mạnh của sự khen ngợi, nâng cao kỹ năng giao tiếp và năng lực cạnh tranh của bản thân trên con đường sự nghiệp. Với sự kết hợp đan xen giữa những phân tích tâm lí và những câu chuyện thực tế, cuốn sách Sức mạnh của sự khen ngợi này sẽ chia sẻ cùng bạn làm thế nào để khéo léo sử dụng sức mạnh của sự khen ngợi, nâng cao kĩ năng giao tiếp và năng lực cạnh tranh của bản thân trên con đường sự nghiệp.

 

#sách_kỹ_năng #MinhLongBook

#review

#Sức_mạnh_của_sự_khen_ngợi

 

MINH LONG BOOK
MINH LONG BOOK
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn