Sách Thông Điệp Từ Những Biểu Cảm Và Ngôn Ngữ Cơ Thể – MINH LONG BOOK

THẾ GIỚI TRONG MẮT CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐANG ĐAU KHỔ

 

“Kì vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều” – đó là điều mà ông bà hay nói. Không phải tự nhiên mà người xưa lại đúc kết ra sự thật này, mà đằng sau nó – đây là một nguyên nhân tâm lý. Trong một xã hội thay đổi quá nhiều, con người ta liên tiếp đặt những kì vọng vào bản thân mình, vào cả những người xung quanh họ, và vào cả xã hội mà họ đang sống. Khi mọi thứ không diễn ra theo đúng kì vọng, họ thất vọng, họ đau khổ. Từ đó dẫn đến việc, họ mãi mãi không bao giờ thành công.

 

1. HIỆN TƯỢNG KÌ VỌNG

 

Bố mẹ kì vọng vào con cái: thời đi học, con phải được như này, con phải được như kia, lớn lên, con phải vào trường đại học này, con phải được mức lương kia. Vợ chồng kì vọng vào nhau, vợ kì vọng chồng phải là mẫu người như lí tưởng của mình, phải chiều mình theo cách mình mong muốn, chồng kì vọng vợ phải là hình mẫu mà mình vẫn thấy trên truyền hình, phải vừa xinh, vừa chu đáo, vừa đảm đang,.. mọi thứ phải đúng ý mình. Đồng nghiệp kì vọng vào nhau, nhân viên kì vọng sếp phải tâm lý, phải nhẹ nhàng, sếp kì vọng nhân viên phải trách nhiệm, giỏi giang, xông xáo. Đi làm môi trường phải chuyên nghiệp, năng động. Ở chính bản thân mình, mình phải ông nọ, bà kia, tiếng tăm trong đời. Ở xã hội, đời sống phải cao cấp, cuộc sống phải văn minh. Mọi kì vọng trên đều tốt đẹp. Mọi mong muốn tốt đẹp là một điều chính đáng. Nếu không có những mong muốn tốt đẹp thì có lẽ nó đáng sợ hơn rất nhiều. Thế nhưng, khi người ta kì vọng khi mà chưa hiểu rõ mình đang ở đâu và điểm đích mình có thể đến, thì họ sẽ áp lực và đau khổ hơn rất nhiều.

 

Theo từ điển định nghĩa: kì vọng là đặt nhiều hi vọng, mong mỏi ở ai, cái gì một điều gì đó. Tức là một mong muốn về điểm đích trong tâm trí – do vậy đây là một điều chưa diễn ra, chưa xảy ra trong thực tại. Lẽ thông thường, ai cũng muốn một điểm đích tốt đẹp: chẳng hạn cuộc sống giàu có, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp viên mãn,.. Đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, đôi khi họ vô tình mắc phải sai lầm làm bản thân thất vọng đó là chưa xác định được rõ điểm xuất phát. Và dĩ nhiên, mỗi một người sẽ có những vạch xuất phát khác nhau, cho nên khi vạch xuất phát khác nhau mà lại xác định kì vọng như nhau: ví dụ trong lớp là học sinh giỏi nhất lớp, phải là thủ khoa, phải là triệu phú ở tuổi 30, sự nghiệp phải là ông chủ,… thì đó là một kì vọng sai thực tế. Điểm mù tâm lý ở đây nằm ở chỗ: khi bị kì vọng sai thực tế, kết quả diễn ra không như mong đợi, con người ta đau khổ.

 

 

VÌ SAO KÌ VỌNG LÀ NGUY HIỂM?

 

Tại World Cup 2014, sau một đêm kinh hoàng, người ta gọi thất bại 1-7 của đội tuyển Brazil trước đội tuyển Đức là nỗi ô nhục, là sự sỉ nhục lớn nhất trong lịch sử World Cup, rồi sau đó, báo chí đăng tin về bạo động bùng phát tại Brazil sau trận thua đó. Họ để thua 4 bàn trong vòng 6 phút (từ 23-29) là 6 phút đau đớn nhất trong lịch sử bóng đá xứ Samba. Quay trở lại bản chất vấn đề, vậy nguyên nhân là do đâu? Nó nằm ở kỳ vọng. Giả sử, nếu đó là đội tuyển Lào thì chuyện gì sẽ xảy ra? Báo chí sẽ nói rằng: đây là cơ hội tuyệt vời để Lào được chạm trán đối tủ lớn, để có những kinh nghiệm quý giá vững vàng. Nhưng thực tế, đó là Brazil, người ta kỳ vọng Brazil phải là nhà vô địch, và là đội bóng hàng đầu thế giới, thì không được phép thua, mà nếu thua thì không được phép thua đậm như vậy.

 

Nhưng thực tế, nếu thua 1-7 hay thua 0-1 thì vẫn là thua (trong một trận đấu loại trực tiếp). Thứ hai, trong bóng đá có một khái niệm gọi là “vỡ trận”, tức là khi bị thua một vài bàn thắng ảnh hưởng đến tâm lí thi đấu chung của cả đội dẫn đến việc thủng lưới liên tiếp. Thứ ba, trong thi đấu đỉnh cao, thắng thua là chuyện bình thường, bởi lẽ trận đấu phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Brazil thua có thể là do Brazil hôm đó đá kém, nhưng cũng có thể là do hôm đó là ngày phong độ cao xuất thần của đội tuyển Đức. Có lẽ, thứ thất bại lớn nhất ở đây là người dân Brazil, các cầu thủ Brazil đã đặt một gánh nặng áp lực lên đôi chân của các cầu thủ quá nhiều với kỳ vọng họ phải là nhà vô địch. Thế nhưng, nếu như thay đổi kì vọng bằng mơ ước, mơ ước là nhà vô địch, và sau đó là cứ nỗ lực đá hết mình, cố gắng hết sức, cho dù kết quả như nào, thì mọi chuyện sẽ lại khác.

 

Tương tự như bóng đá, trong nhiều cuộc thi khác cũng như vậy. Có vô số người, và cả người thân của họ thất vọng, buồn phiền, chán nản thậm chí giận dữ khi mà họ thất bại. Nguyên nhân chung quy lại, cũng nằm ở chỗ kỳ vọng sai thực tế. Là bởi vì, trong các cuộc thi, chỉ có 1 người chiến thắng. Giả sử một cuộc thi sắc đẹp, không bao giờ có chuyện 15 người được giải hoa hậu, đã là hoa hậu, là chỉ có 1 người được. Trong cuộc thi bóng đá, giải đấu 4 năm 1 lần, không bao giờ có chuyện 10 đội bước vào trận chung kết và có 10 đội vô địch, vô địch là chỉ có 1. Tương tự như thế, đã là thủ khoa thi cử, thì không thể có 3 thủ khoa chung một ngành thi, môn thi, thủ khoa là đứng đầu, đứng đầu thì chỉ có 1. Trong các game show, không thể nào có 2 giải nhất, có người thắng thì phải có người thua. Khi họ đặt kì vọng vào bản thân lớn quá, một đích đến lớn quá, trong khi xuất phát điểm khác nhau, thì đó là yếu tố dẫn đến thất vọng.

 

2. TÂM TRẠNG QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ

 

Khi chúng ta không thể thay đổi bản chất sự việc, chúng ta vẫn có thể thay đổi cách nhìn đối với sự việc. Tâm trạng tốt quyết định cảm xúc tốt. Viktor Emil Frankl, nhà tâm lí học đã sống sót sau nạn diệt chủng của Đức Quốc xã từng nói rằng: “Mọi thứ của con người có thể bị tước đoạt, ngoại trừ sự tự do chọn lựa thái độ của mình trong bất kì hoàn cảnh nào.” Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây.

 

Ngày xưa, có một bà lão dù trời mưa hay trời nắng đều khóc, người dân xung quanh gọi bà là “Bà lão hay khóc”. Bà có hai cô con gái, con gái lớn bán giày còn con gái thứ bán ô. Bà lão thấy rằng ngày nắng thì cô con thứ không bán được ô, mà ngày mưa thì con gái lớn không bán được giày, cho nên bất luận là ngày mưa hay ngày nắng, bà lão đều phiền muộn. Có một vị hòa thượng sau khi hiểu rõ sự tình, bèn nói với bà lão rằng: “Vậy tại sao bà không nghĩ rằng, vào ngày nắng cô con gái lớn sẽ bán được nhiều giày, bà nên cười mới phải; Còn khi trời mưa cô con thứ sẽ bán được nhiều ô, bà cũng nên cười mới phải.". Bà lão chợt hiểu ra, từ đó bà lão hay khóc liền trở thành bà lão hay cười.

 

 

Trong câu chuyện này, mọi chuyện đều không hề thay đổi: con gái lớn của bà lão vẫn bán giày, còn cô con gái thứ vẫn bán ô, thời tiết vẫn là lúc nắng lúc mưa. Vậy thì tại sao bà lão hay khóc lại trở nên hay cười? Nguyên nhân chính là cách nghĩ của bà lão đã thay đổi: ban đầu chỉ thấy mặt tiêu cực của sự vật, sau đã có thể nhìn thấy cả những mặt tích cực của sự vật. Tagore từng nói, nếu bạn khóc vì mất đi Mặt Trời thì bạn cũng sẽ mất đi những vì sao.

 

Mỗi người sống trên thế giới này đều cần tạo mối liên kết chặt chẽ với người khác, trải nghiệm cảm giác được trân trọng, yêu và được yêu. Có những người đối với cuộc đời chúng ta là cực kì quan trọng, ví dụ như cha mẹ, vợ chồng và con cái... Mối quan hệ mật thiết và tình cảm sâu đậm, cho chúng ta trải nghiệm trọn vẹn hạnh phúc của tình yêu. Một khi những con người quan trọng này rời xa chúng ta vĩnh viễn, tình yêu của chúng ta sâu đậm bao nhiêu thì nỗi đau của chúng ta cũng lớn bấy nhiêu.

 

Thực ra, chết đi không phải là điều bất hạnh của người quá cố mà là điều bất hạnh của người còn sống. Chấp nhận sự ra đi của người thân hầu như là chuyện mà mỗi người đều phải đối mặt. Chúng ta phải học cách yêu và cũng cần học cách đối mặt với sự chia li.

 

Cuốn sách "Thông điệp từ những biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể" mang chứa nhiều kiến thức uyên thâm nhưng được thể hiện dưới lối viết đơn giản, dễ hiểu, để bất cứ ai cũng có thể học được những kiến thức bổ ích một cách dễ dàng nhất. Rất hy vọng, cuốn sách sẽ trở thành một tài liệu hữu ích đối với những ai đang muốn bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng tâm lí học vào đời sống thường ngày.

 

#sách_kỹ_năng #MinhLongBook

#review #thông_điệp_từ_những_biểu_cảm_ngôn_ngữ_và_cơ_thể

 

MINH LONG BOOK
MINH LONG BOOK
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn