Nhà khởi nghiệp là một người tiên phong và do đó, phải có khả năng đón nhận rủi ro mà không sợ hãi.
Nhưng hãy nhớ cho kỹ
Là một người tiên phong, chứ không phải một kẻ liều chết.
Tự đưa bản thân mình theo cách liều lĩnh vào một doanh nghiệp đầy rủi ro, hoàn toàn không tính đến khả năng thành công, không bao giờ là một ý tưởng hay. Đó là lí do mà tôi cho rằng phải có một chương trình hành động, một kế hoạch kinh doanh, một kế hoạch hoạt động chiến lược để làm theo. Nhưng, nếu hoàn cảnh thay đổi, thì quan trọng không kém là khả năng ứng biến và không mù quáng ôm khư khư dự án ban đầu.
Kế hoạch là một điểm để tham khảo, nhưng nếu hoàn cảnh thực tế đề xuất đi theo một hướng khác, thì bạn phải sẵn sàng làm theo. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh và sau 3 năm có cơ hội mở một cửa hàng mới, mà theo kế hoạch thì việc đó sẽ là sau 5 năm, thì ngại ngần gì mà không thay đổi kế hoạch chứ. Nếu kế hoạch kinh doanh là mở một cửa hàng ở Rome, nhưng xu thế trong những năm đầu tiên hoạt động cho thấy rằng tốt hơn là mở ở Turin, thì tất nhiên đó là việc bạn phải làm.
Điều quan trọng là đưa ra những quyết định hợp lí. Đương nhiên, bạn vẫn cần một kế hoạch kinh doanh - bạn cần có một phương hướng rõ ràng nhằm xác định khi nào thì không nên đi theo hướng ấy. Nếu bạn không có gì để tham khảo, thì sẽ khó khăn hơn để biết khi nào cần chuyển hướng.
Kế hoạch kinh doanh là một yếu tố chủ chốt, nhất là khi bạn định giới thiệu dự án của mình với một nhà đầu tư tiềm năng. Có nhiều cách để lập một kế hoạch kinh doanh và bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin và bản mẫu trên Internet.
Một kế hoạch kinh doanh không chỉ là về những con số; nó còn là một bản thuyết trình ấn tượng. Đầu tiên, bạn cần giới thiệu những thành viên trong đội ngũ là ai, bởi vì nếu muốn thuyết phục một nhà đầu tư thì bạn phải đảm bảo rằng anh ta hoặc cô ta tin tưởng đội ngũ sẽ tham gia dự án. Bước chủ chốt thứ hai là diễn đạt vấn đề mà bạn muốn giải quyết. Khi phải làm vậy, tôi luôn nghĩ đến một cảnh quay rất nổi tiếng trong phim Sói già Phố Wall. Nhân tiện, đây không phải bộ phim tôi ưa thích. Nhiều người bạn cũ của tôi từ hồi cao đẳng để hình Leonardo DiCaprio trong vai Jordan Belfort làm ảnh đại diện Facebook, mà tôi thì không giống mấy đứa bạn này. Bộ phim khiến tôi thấy khó chịu, bởi vì dường như, nó huyền thoại hóa một thực tại tiêu cực. Mặc dù vậy, tôi thích cảnh về chiếc bút. Jordan kiểm tra năng lực của một nhân viên kinh doanh bằng cách yêu cầu người này bán chiếc bút của mình cho anh ấy. Người thành công nhất là Brad. Brad bán hàng giỏi nhất vì không sa đà kể những câu chuyện phiếm nhằm cố gắng thuyết phục Jordan rằng cây bút này đẹp hơn hoặc đặc biệt hơn những cây bút khác. Thay vào đó, Brad đảm bảo rằng Jordan cần đến nó. “Phiền anh viết tên mình lên tờ giấy ăn kia giúp tôi nhé?”, “Tôi không có bút...”, “Chính xác là vậy. Đó là cung và cầu đấy bạn tôi ơi”. Đoạn đối thoại vô cùng ngắn gọn này thể hiện tốt hơn nhiều giáo trình Marketing, cho thấy rằng khía cạnh cơ bản của Marketing là tạo ra một nhu cầu cấp thiết và sẵn sàng đáp ứng nó.
Ở bước này, cần phải giải thích cách bạn dự định đáp ứng nhu cầu khách hàng (đã được minh họa bên trên), chỉ ra cách thức hoạt động của dự án, thế mạnh của nó là gì, đối tượng mục tiêu là ai, tóm lại, hãy trình bày cái được gọi là tuyên bố giá trị (value proposition), bao gồm mọi thứ giúp phân biệt doanh nghiệp tương lai của bạn với những doanh nghiệp khác đã có mặt trên thị trường. Khía cạnh này liên kết mật thiết với bước kế tiếp, gồm có phác thảo cảnh quan thị trường (market landscape); xác định những đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp; đưa ra một ý tưởng cụ thể hơn về quy mô của thị trường tiềm năng. Nếu bạn đang tìm kiếm nguồn tài trợ thì có thể cũng hữu ích khi đưa dẫn chứng về những vòng gọi vốn của các đối thủ.
Bước này mở đầu cho phần về những con số thực tế. Đầu tiên bạn cần tính toán chi phí start-up, bao gồm những chi phí phải có, thậm chí chỉ để thành lập công ty. Những chi phí này gồm: phí pháp lí, đăng kí bản quyền thương hiệu, phát triển trang web và ứng dụng. Đó là vài ví dụ liên quan đến thế giới của start-up kĩ thuật số, như những doanh nghiệp mà đến nay tôi đã thành lập. Sau đó bạn cần trình bày chi phí hoạt động trong 2 năm đầu, bao gồm chi phí cho những hoạt động Marketing, lương của nhân viên, tiền thù lao cho dịch vụ phát triển kinh doanh, tư vấn viên cá nhân, tư vấn quản lí, phí máy chủ, phí thuê và quản lí văn phòng, phí bảo trì, v.v... Một dự báo chi phí cụ thể như thế là mấu chốt khi tìm kiếm tài trợ, bởi vì chỉ với cách này, bạn mới quyết định được mình cần bao nhiêu tiền từ những nhà đầu tư.
Tiếp theo, cần cho các nhà đầu tư biết được giá trị của công ty dựa trên doanh thu ước tính trong vòng 2 đến 3 năm tới. Trong trường hợp này, việc phác thảo nhiều tình huống khả thi là phù hợp, bởi vì bạn không thể chắc chắn việc kinh doanh sẽ đi theo chiều hướng nào. Lí tưởng nhất là đưa ra 3 tình huống: một tình huống rất tiêu cực; một tình huống thực tế và hợp lí; một tình huống rất tích cực.
Để làm được tất cả những việc này, bạn phải có kỉ luật, sự khắt khe và tính cẩn thận. Bạn cần làm việc có trình tự, nhưng đừng quên khả năng ứng biến. Doanh nhân phải có trực giác để biết rời bỏ con đường chính mà anh ấy/cô ấy đang đi nhằm tìm kiếm kho báu ở một ngõ ngách nào đó. Nhưng bạn không bao giờ được đánh mất tầm nhìn về con đường chính, để rồi cuối cùng bạn có thể trở lại đó và tiếp tục hành trình của mình.
---
Nguồn: sách Xây Dựng Sự Độc Đáo – Cách để khởi nghiệp từ đam mê
Bình luận