Tiền Bạc Không Khiến Bạn Hạnh Phúc Hay Bạn Không Chi Tiêu Đúng Cách – MINH LONG BOOK

Nếu Tiền Bạc Không Khiến Bạn Hạnh Phúc, Thì Có Thể Bạn Đã Không Chi Tiêu Đúng Cách

 

Tiền bạc cho phép người ta sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, bảo vệ bản thân khỏi lo lắng và tổn hại, có thời gian rảnh rỗi dành cho gia đình cùng bạn bè và kiểm soát bản chất của các hoạt động thường ngày – tất cả những điều là cội nguồn của hạnh phúc. Người giàu không chỉ có những món đồ chơi tốt hơn, họ còn có chế độ dinh dưỡng tốt hơn, điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn, nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và công việc có ý nghĩa hơn – mọi thành phần trong công thức tạo nên cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, họ không hạnh phúc hơn nhiều so với những người có ít tiền hơn.

 

Nếu tiền có thể mua được hạnh phúc, thì tại sao lại như vậy? Bởi vì họ không tiêu tiền đúng cách

 

🎯 Về cơ bản, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn và hào hứng hơn với cuộc sống thường ngày của mình nếu tham gia những hoạt động mà chúng ta cảm thấy mình có thể làm tốt (năng lực), chúng ta làm chúng vì ý muốn của bản thân thay vì bị ép buộc (quyền tự chủ) và chúng ta không bị cô lập về mặt xã hội (sự kết nối). Tương tự như vậy, nếu có phương án xử lí tài chính thông minh, thì chúng ta có thể dùng tiền để gia tăng hạnh phúc của minh theo ba cách.

 

🔻 Đầu tiên, tiền có thể giảm bớt những lo lắng về tài chính của chúng ta và giúp chúng ta có được ý thức tự chủ cao hơn. Tiền phần nào đó giống như sức khỏe. Chỉ khi ốm, chúng ta mới nhận ra cảm giác khỏe mạnh tuyệt vời đến nhường nào. Tương tự như vậy, chỉ khi không có đủ tiền, chúng ta mới nhận ra việc có một nền tảng tài chính vững chắc tuyệt vời đến nhường nào. Có nhiều tiền hơn chưa hẳn sẽ khiến chúng ta hạnh phúc – nhưng không có tiền có thể sẽ khiến chúng ta cực kì khổ sở. Có thể chúng ta cảm thấy bị bó buộc bởi những nghĩa vụ tài chính của mình hoặc cảm thấy không thể thay đổi nghề nghiệp, dù chúng ta chán ghét công việc hiện tại.

Đúng vậy, chúng ta nên tiết kiệm để trang trải cuộc sống hưu trí, chi phí giáo dục đại học của con cái và tiền đặt cọc mua nhà. Nhưng những mục đích cụ thể này nằm trong một mục tiêu tài chính rộng lớn hơn, quan trọng hơn: chúng ta muốn đưa bản thân đến cấp độ mà ở đó ta không phải thường xuyên buồn phiền về tiền bạc, hay phải kiềm chế chặt chẽ cách mình sống. Không khó để loại bỏ một lượng lớn những nỗi lo lắng về tiền bạc của chúng ta: chỉ cần thoát khỏi tình trạng nợ thẻ tín dụng, thanh toán các hóa đơn đúng hạn và bỏ một ít tiền mặt vào tài khoản tiết kiệm là chúng ta đã có thể gia tăng đáng kể cảm giác hạnh phúc của mình.

 

🔻 Cách thứ hai mà tiền có thể giúp gia tăng hạnh phúc là gì? Nó cho phép chúng ta dành thời gian của mình để làm những điều bản thân yêu thích và những việc mà chúng ta cảm thấy mình làm tốt. Việc đáp ứng nhu cầu này không nên là một tưởng tượng xa vời, chỉ thực hiện được khi chúng ta đã có đủ tiền để nghỉ hưu, mà nên là điều chúng ta phải cố gắng đạt được trong những năm tháng làm công ăn lương. Chúng ta nên quản lí cẩn thận thời gian và tiền bạc của mình, để có thể dành thời gian cho những hoạt động khiến ta thấy hào hứng, đồng thời sử dụng tiền của mình để thuê người khác làm những công việc mà chúng ta coi là gánh nặng.

 

🔻 Thứ ba, tiền có thể giúp chúng ta có những khoảng thời gian đặc biệt với những người ta quan tâm. Nghiên cứu cho thấy một mạng lưới bạn bè và người thân vững chắc có thể là một nguồn hạnh phúc to lớn. Ngay cả việc giao tiếp với những người tình cờ bắt gặp – nhân viên thu ngân ở siêu thị, nhân viên phục vụ ở bãi đỗ xe, nhân viên pha chế ở Starbucks – cũng có thể làm gia tăng cảm giác thuộc về một cộng đồng của bạn.

 

Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng và sử dụng sai việc chi tiêu cho hạnh phúc, rất nhiều người trong chúng ta đang chi quá nhiều tiền so với những gì mình cần chỉ để tìm kiếm được cảm giác hạnh phúc  (có thể là hạnh phúc trong việc mua sắm, hạnh phúc trong việc sở hữu món đồ,…)

 

 

 

Hãy nhìn quanh phòng khách của bạn. Quan sát các món đồ nội thất, đèn và ti vi. Liếc nhìn các bức tranh treo trên tường. Đi thơ thẩn vào bếp. Phóng tầm mắt qua những chiếc đĩa, bát, dao kéo và dụng cụ nhà bếp. Hãy liếc qua phòng ngủ, bao gồm tất cả quần áo trong tủ quần áo của bạn. Ở mọi nơi bạn nhìn đều có những món đồ mà bạn đã mua sau khi cân nhắc cẩn thận. Khi đó, bạn đã tự tin rằng tất cả những món đồ ấy sẽ khiến cuộc sống của mình hạnh phúc hơn. Có thật là vậy không? Hay bạn hiếm khi chú ý đến chúng nữa, và trong một số trường hợp thậm chí còn hối tiếc vì đã mua chúng?

 

Đương nhiên là tất cả chúng ta đều cần những chiếc ghế, dao kéo và quần áo nhưng hãy nghĩ đến một điều khác nữa, đó là: chúng ta không thực sự giỏi trong việc tìm ra điều gì thực sự cần thiết và sẽ khiến mình hạnh phúc.

 

Kinh tế học cổ điển cho rằng các cá nhân đưa ra những lựa chọn giúp họ hài lòng ở mức cao nhất, có nghĩa là (mặc dù thỉnh thoảng chúng ta có thể làm hỏng chuyện) chúng ta thường không đưa ra những lựa chọn làm tổn hại đến hạnh phúc của mình. Đây là một giả định đáng ngờ. Nhiều người hút thuốc, ăn quá độ, xem ti vi hàng giờ mỗi ngày, mặc dù họ không muốn mình làm như vậy. Hầu hết mọi người lúc này đang chi tiêu quá nhiều và tiết kiệm quá ít cho tương lai. Họ lựa chọn những sự nghiệp khiến mình khổ sở. Họ mua những ngôi nhà khiến mình phải đi xa khủng khiếp mới tới được chỗ làm. Những phản ứng bản năng có thể hữu ích khi chúng ta đánh giá xem mình đang giao thiệp với bạn hữu hay kẻ thù. Nhưng khi quyết định phải dùng tiền hay thời gian của mình như thế nào, và cần theo đuổi những mục tiêu nào, chúng ta không nên đi theo bản năng cho là chúng ta biết mình muốn gì.

 

Cũng như vậy, với nỗi buồn, có thể bạn đang gặp 3 sai lầm lớn khi dùng tiền để tiêu tán nỗi buồn

 

Nghiên cứu cho thấy tiền bạc có thể nâng cao niềm hạnh phúc thường ngày, ít nhất là tới một mức độ nào đó, và cũng khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn khi nghỉ ngơi và ngẫm nghĩ về cuộc sống của mình. Nhưng việc theo đuổi tiền bạc – và cách chúng ta sử dụng nó – cũng có thể làm tổn hại đến hạnh phúc của ta. Đặc biệt, chúng ta thường mắc phải ba sai lầm lớn.

 

Sai lầm đầu tiên là chúng ta đặt mình vào vị trí mà tại đó chúng ta cảm thấy tương đối thiếu thốn. Đây lại là một ảo ảnh tập trung, nhưng gây bất lợi cho chúng ta. Giả sử chúng ta được tăng lương nhiều và điều đó thôi thúc chúng ta mua nhà ở một khu vực đáng mơ ước hơn. Đây có phải là một ý tưởng hay không? Có lẽ là không. Dường như nếu những người hàng xóm kiếm được nhiều tiền hơn chúng ta, có thể chúng ta sẽ không hạnh phúc, đặc biệt là nếu thường xuyên giao thiệp với họ. Tác động từ những người hàng xóm của chúng ta – và việc địa vị của chúng ta so với họ như thế nào – cũng ảnh hưởng đến những người đang gặp khó khăn về tài chính. Một nghiên cứu đã xem xét các gia đình ở Anh đang phải vật lộn với nợ nần. Những người sống ở các khu vực mà tại đó những vấn đề như vậy phổ biến thì ít buồn rầu hơn so với những người sống ở các khu vực giàu có hơn. Những người khổ sở dường như có thể thực sự nhận được một chút an ủi khi biết rằng người khác cũng khổ sở.

 

Sai lầm thứ hai: Nếu việc rời đến một thị trấn với những người hàng xóm giàu có hơn có thể làm tổn thương hạnh phúc của chúng ta, thì điều đó có thể còn trở nên tồi tệ gấp đôi nếu khu vực ấy xa nơi chúng ta làm việc hơn khu nhà cũ. Nghiên cứu cho thấy việc phải đi làm xa là một điều khủng khiếp đối với hạnh phúc.

 

Sai lầm lớn thứ ba: Chúng ta có xu hướng dùng tiền để mua ngày càng nhiều tài sản, bởi chúng ta coi trọng giá trị hiện có của chúng. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường hạnh phúc hơn khi chi tiền cho các trải nghiệm thay vì những món đồ. Tại sao lại như vậy? Có nhiều lí do khả dĩ cho điều này.

 

Trải nghiệm không chỉ đem đến cơ hội để chúng ta háo hức dự đoán những gì sẽ diễn ra, mà còn có thể để lại cho chúng ta những kí ức tươi đẹp – và những kí ức đó thường trở nên tươi đẹp hơn theo thời gian, khi chúng ta nhớ về tổng thể sự kiện và quên đi những phiền toái ngẫu nhiên xảy ra. Trong khi đó, chúng ta nhanh chóng thích ứng với những cải thiện trên phương diện vật chất trong cuộc sống của mình, cùng với đó là việc chúng ta phải bảo dưỡng những tài sản ấy và nhìn chúng xuống cấp.

 

Sẽ luôn có người sở hữu nhiều tài sản và tài sản giá trị hơn chúng ta. Nhưng họ không tất yếu có được những trải nghiệm tốt hơn. Thực tế là rất khó để so sánh chất lượng của những trải nghiệm ta có với trải nghiệm của người khác. Bạn muốn có được nhiều niềm hạnh phúc hơn từ những đồng bảng Anh, Euro hay đô-la Mĩ của mình? Vậy hãy quên chiếc ti vi 4K đi, và thay vào đó hãy lựa chọn một kì nghỉ đáng nhớ.

 

Hãy sử dụng đồng tiền của bạn một cách chính xác và có hiệu quả đối với cuộc sống của bạn nhất có thể. Hãy thay đổi suy nghĩ nếu bạn đang cảm thấy những khó khăn đến từ chính việc sử dụng tiền của mình. Hãy tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn để đảm bảo mỗi quyết định sáng suốt khi tiêu tiền!

 

Bài viết có tham khảo từ cuốn sách Tư Duy Về Tiền Bạc - Jonathan Clements

 

 

 

Bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
MINH LONG BOOK
MINH LONG BOOK
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn